*Lưu ý: Thông tin nói lên quan điểm của VKR, tổng hợp từ những thông tin sẵn có và diễn giải theo cách hiểu mang tính cá nhân. Hoan nghênh ý kiến đóng góp của mọi người, song không chào đón những bình luận khích bác, vùi dập thiếu thiện chí.
***
Những ngày đầu năm 2019, cộng đồng fan KPOP được một phen nhốn nháo trước bản tin của kênh Channel A (Hàn Quốc). Theo đó, bản tin công bố top 3 công ty giải trí có giá thị trường lớn nhất KPOP nay lần lượt là: Big Hit (2,5 nghìn tỷ KRW) > JYP (1,18 nghìn tỷ KRW) > SM (1,105 nghìn tỷ KRW).
Kết hợp với một số hiểu biết về tình hình tài chính của các công ty giải trí, nhiều người hâm mộ (thậm chí là các tờ báo) vội vã kết luận: “Năm 2019, Big Hit đã “đá” YG để dành lấy một suất trong Big 3″. Danh tính bộ 3 ông lớn KPOP hiện tại là: SM, JYP và Big Hit.
Nhưng nhận định như vậy liệu có chính xác? Câu trả lời, e là không.
Từ trước đến nay, khái niệm Big 3 thường xuyên bị hiểu một cách nhập nhằng. Một bộ phận cho rằng Big 3 là từ để chỉ 3 công ty giải trí giàu có, có giá trị thường cao nhất Hàn Quốc (nhấn mạnh về khía cạnh tài sản). Số khác thì hiểu rằng Big 3 là 3 công ty có những nghệ sĩ đình đám nhất, là trụ cột của cả đế chế KPOP (nhấn mạnh về khía cạnh nghệ sĩ, thành tựu).
Sự nhập nhằng này bắt nguồn từ khi Big 3 hình thành. Có thể tóm tắt như sau:
Những năm 90 của thế kỷ XX, làng giải trí KPOP tồn tại Big 2 là SM Entertainment và DSP Entertainment. Hai công ty này được xem là cái nôi hình thành nền âm nhạc thần tượng hiện tại, họ ở vị thế ngang bằng (SM = DSP) và từng tung ra nhiều cặp nghệ sĩ đối đầu trực diện, chẳng hạn: H.O.T vs Sech Kies; S.E.S vs Fin.K.L; DBSK vs SS501; SNSD vs KARA; EXO vs A-JAX…

Không may, DSP đã không thể đi đường dài, phần vì các sản phẩm âm nhạc dần kém chất lượng, phần vì lớp nghệ sĩ dính bê bối, mất sức hút hoặc rời công ty… Trong Big 2, DSP bị SM Entertainment vượt mặt hoàn toàn.
Cũng vào thời điểm DSP và SM đang cạnh tranh, YG Entertainment và JYP Entertainment nổi lên như những thế lực đáng kiêng dè. YG sở hữu Se7en, Big Bang, 2NE1… trong khi JYP có Park Jin Young, Bi Rain, Wonder Girls, 2PM..
Chính vì thế, ngay khi Big 2 vừa rã đám, Big 3 lập tức ra đời. Big 3 lúc này bao gồm: SM, YG và JYP.
Việc có tới 3 công ty đứng đầu đặt ra bài toán, thứ tự của họ sẽ sắp xếp như thế nào (hồi xưa Big 2 từng được xếp ngang bằng nhau, SM = DSP). Thế rồi, công chúng, giới truyền thông và giới chuyên môn bắt đầu căn cứ vào độ đình đám và khối tài sản của 3 công ty để xếp thứ tự: SM > YG > JYP.
Cách sắp xếp này cũng chính là tiền đề dẫn đến việc thứ tự Big 3 bị thay đổi vào năm 2018 thành SM > JYP > YG. Đó là khi JYP bùng nổ với TWICE, GOT7, đồng thời giá thị trường cũng bỏ xa YG.
Như vậy, cần hiểu một cách rõ ràng rằng: Để gia nhập một Big (Big 2 hoặc Big 3) thì công ty quản lý cần phải sở hữu dàn nghệ sĩ đình đám nhất, góp phần định hình và có sức ảnh hưởng lên cả làng giải trí. Còn đối với việc so kè tài sản (cũng như độ phổ biến), mục đích chỉ để phân chia thứ tự trong nội bộ Big cụ thể mà thôi.
Mở rộng ra với trường hợp Big Hit Entertainment hiện tại, công ty quản lý này hiện có BTS, có danh tiếng, có tiền tài. Duy chỉ có yếu tố vàng về dàn nghệ sĩ vẫn chưa đầy đủ (hay nói cách khác, Big Hit vẫn còn phụ thuộc vào BTS đúng nghĩa: 1-1). Thế nên, việc Big Hit có gia nhập Big 3 hay không, vẫn còn chờ đợi vào màn thể hiện của hậu bối BTS, mà gần nhất là boygroup debut trong năm nay.
Một khi Big Hit sở hữu nhiều “gà chiến” đình đám, có sức ảnh hưởng sâu rộng, việc công ty giải trí này lọt vào Big 3, chiếm lấy chỗ của các công ty yếu thế hơn là điều không ai có thể chối cãi.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Big Hit vẫn đang là “Big Hit” (hiểu theo nghĩa đen). Chỉ với BTS, họ đã là một đối trọng đáng gờm, nhiều phần lấn lướt cả Big 3. Đồng thời, với những thành tựu chưa từng có của BTS, công ty này đủ khả năng để trở thành một đế chế độc lập, không nhất thiết phải tiến vào Big 3 làm gì.
Nguồn: VKR – Vietnamese KPOP Reporter