Được nhà vua sủng ái nhưng vì bị quyền lực che mờ mắt, Jang Hee Bin đã không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, dẫn đến cái chết thảm khốc.
Nếu như bên nước Anh có hoàng hậu Anne Boleyn thường được biết đến là con người lăng loàn, độc ác, nham hiểm thì bên xứ Kim chi cũng có một vi phi tần mang tiếng xấu như vậy. Người đó là Hy tần Trương Thị hay còn được biết tới là Jang Hee Bin – một trong những người phụ nữ khét tiếng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Bà thường bị khắc họa là một kẻ “kẻ bướng bỉnh, dâm dục, suy đồi, hèn hạ” và là kẻ đã quyến rũ Vua Sukjong (Túc Tông), khiến nhà vua phế bỏ Vương phi Inhyeon (Nhân Hiển Vương hậu) và đưa bà lên làm Vương phi. Bà thậm chí còn bị cáo buộc là đã dùng bùa chú để hãm hại Vương phi Nhân Hiển, khiến cho bà qua đời khi còn trẻ. Chính vì những lý do này, phần lớn người Hàn thường đánh giá bà với thái độ rất tiêu cực.

Jang Hee Bin (khuê danh là Jang Ok Jung) có xuất thân từ một gia đình danh giá và có quan hệ với phe miền nam của triều đình Joseon. Cha bà là một thông dịch viên giàu có nhờ việc giao dịch với các đại sứ ở Trung Quốc. Về sau, gia đình bà dần lụi bại và Trương thị phải nhập cung từ khi còn nhỏ làm Nội nhân.
Trong thời gian Trương Thị phục vụ cho gia đình hoàng gia, vua Túc Tông vẫn không có người thừa kế. Ông đã lấy Vương hậu Nhân Hiển được ba năm nhưng cả hai vẫn chưa có con. Nhà vua trong lúc chán nản để tìm người thừa kế đã bắt gặp nhan sắc xinh đẹp của Trương thị và hai người nhanh chóng yêu nhau. Sau đó, bà trở thành phi tần của Vua Túc Tông.

Tuy nhiên, các cận thần không hài lòng về sự sủng ái của Vua Túc Tông dành cho Trương thị vì họ cho rằng bà là yêu cơ, tà hiểm tâm độc, sẽ gây tổn hại đến triều đình và sau đó, bà đã bị đuổi khỏi cung điện.
Tuy nhiên, Hoàng hậu Nhân Hiển, người nổi tiếng là “vị tha và đầy đức hạnh” đã xin cho bà được về cung. Năm 1668, Trương Thị sinh một cậu con trai tên là Vương tử Lý Quân, người sau này trở thành Vua Cảnh Tông và được phong lên bậc Chiêu Nghi.
Trong khi Trương Thị đã sinh ra cho vua một người thừa kế thì Nữ hoàng Nhân Hiển vẫn chưa có con. Đây chính là khởi điểm dẫn tới các mâu thuẫn trong triều đình. Do nhà vua ngày càng sủng ái Trương thị, ông đã phong vị Tần cho Trương thị, khiến bà trở thành người quyền lực thứ hai sau Hoàng Hậu. Ông cũng quyết định đưa Lý Quân lên Vương thế tử. Điều này đã khiến nhiều đại thần của phái Tây Nhân phản đối, mà đứng đầu là Ly Dương Phủ viện quân Mẫn Duy Trọng, cha của Nhân Hiển vương hậu Mẫn thị vì cho rằng Trương có xuất thân hèn kém, không xứng đáng làm mẹ của một vương tử.

Điều này đã khiến cho Túc Tông vô cùng tức giận, nên ông đã ra lệnh cho xử tử và lưu đày hết những người liên quan, đồng thời phế Hoàng hậu Nhân Hiển và hạ bà xuống làm thường dân. Điều này đã mở đường cho Trương Hy tần trở thành Vương phi và phe phái của bà, những người thuộc phe Nam Nhân thống trị và lũng đoạn triều đình sau đó.
Năm 1690, Trương Hy tần được sắc phong làm Vương phi, biến bà trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Từ sau khi Trương Tần nắm được vị trí Trung điện, phái Nam Nhân lũng đoạn triều chính, củng cố quyền lực và tìm cách loại bỏ phái Tây Nhân. Túc Tông thì lại muốn giữ nguyên thế lực Tây Nhân để có sự cân bằng hai phe đối lập. Trong triều xuất hiện mâu thuẫn giữa quyền lợi của nhà vua và phe phái chính trị ủng hộ cho Trung điện.
Bản thân Trung điện từ khi sắc phong cũng tỏ ra ngỗ ngược, độc đoán và ghen tuông mù quáng với các Hậu cung tần ngự khác, trong khi người nhà của bà tác oai tác quái, gây nhiều thị phi khiến dân chúng căm phẫn. Những việc làm đó khiến Túc Tông ngày càng xa lánh, lạnh nhạt với Trung điện
Lúc này, vua Túc Tông đã nảy sinh tình cảm với Thôi Thủy Tứ, một cung nữ của Phế phi Nhân Hiển. Trong một lần bắt gặp bà đang cầu nguyện cho Phế phi nhân ngày sinh nhật của bà, nhà vua đã vô cùng cảm động và sủng ái Thôi thị, sắc phong bà làm Thục viên. Chính sự tác động của Thôi Thục viên đã khiến nhà vua nảy sinh ý định phục vị cho Phế phi Nhân Hiển và vào năm 1964, Nhân Hiển Vương hậu được phục vị và Trương lại bị giáng chức làm Hy tần.

Sau đó, ông đã dẹp hết phe phái của Trương thị và cho phái Nam nhân đi đầy. Trương Hy tần do tức giận với quyết định này đã ra lệnh cho các cung nữ của mình phải bắn mũi tên vào chân dung của Nữ hoàng Nhân Hiển ba lần một ngày. Còn có chuyện kể rằng Trương Hy tần đã làm phép nguyền rủa Vương hậu để hãm hại bà cũng như là giành lại tình cảm từ vua Túc Tông. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy những lời nguyền rủa của bà ảnh hưởng đến Nhân Hiển. Năm 1701, Nhân Hiển Vương Hậu ngã bệnh và qua đời năm 1701. Bà qua đời mà không có người thừa kế.
Sau khi bà mất, Vua Túc Tông đã biết được Trương tần đã sử dụng tà thuật để hãm hại hoàng hậu của mình và ông đã cáo buộc bà giết chết Vương Hậu. Không chỉ có vậy, phái Tây nhân còn khẳng định Trương Hy tần và anh trai đã thông đồng với nhà Thanh khi tiết lộ nhiều tài liệu quân sự tối mật nhằm nhận được sự đồng thuận cho việc sắc phong Thế tử của Lý Quân. Trước sức ép từ phái Tây Nhân và kết quả điều tra, Túc Tông đã ban chết cho Trương Hy tần với tội danh phản quốc và mưu hại Quốc mẫu. Tuy nhiên, Trương không lặng lẽ nhận án tử này mà đấu tranh quyết liệt trước quyết định của Nhà vua. Cuối cùng, bà bị xử chết bằng thuốc độc.
Thân nhân và đồng lõa của Trương tần đã bị hành quyết hoặc bị đày. Các cận thần phản đối việc thi hành của Trương thị bị lưu đày. Con trai của bà là vua Cảnh Tông lên ngôi năm 1720. Tuy nhiên, ông bị bệnh kinh niên và chết mà không có con nối dõi. Người anh cùng cha khác mẹ của ông là vua Anh Tổ lên ngôi. Trương thị được chôn cất tại một nơi vắng vẻ ở Gwangju.

Trương Hy tần là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử. Bà thường bị coi như là một con người độc ác, tàn nhẫn. Tuy nhiên, gần đây, một số ít nhà sử học Hàn Quốc đã nghiên cứu và lập luận rằng bà lập các điện thờ không phải để nguyền rủa Vương phi mà là để cầu an và chữa bệnh cho Thế tử, người bị cho là mắc bệnh vô sinh. Cùng thời gian này, Nhân Hiển Vương hậu Mẫn thị bệnh tình ngày càng nghiêm trọng và nhiều Vương tử, Cung tần trong cung bị nhiễm căn bệnh lạ mọc mụn nhọt, hoa mắt… Từ đó đã lan truyền ra những tin tức thất thiệt bất lợi cho bà như “Trương Hy Tần cùng pháp sư nhập Thần điện nguyền rủa, trù ếm sát hại các Vương tử và Vương phi”… đã được thêm vào để kết tội Trương Hy tần.
Ngoài ra, những tội ác của bà như âm mưu ám sát Nhân Hiển Vương hậu bằng những hình nhân thế mạng và tế lễ Thần điện không được ghi lại cụ thể trong chính sử mà chỉ được lấy từ cuốn truyện Nhân Hiển Vương Hậu Truyện có tác giả là một cung nữ thân cận của Nhân Hiển Vương hậu thời đó viết lại và lưu truyền tới ngày nay. Do vậy, sự thực về những hành động của bà vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng bà là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Nguồn: Lost Bird